ẢNH HƯỞNG CỦA ÁNH SÁNG NHÂN TẠO ĐẾN NHÂN NHANH SINH KHỐI BÈO HOA DÂU (Azolla spp.)
Bèo hoa dâu (Azolla spp.) có nhiều ứng dụng, bao gồm việc sử dụng làm nguồn nitơ hữu cơ cho canh tác lúa, thức ăn gia súc, phân bón sinh học, nguyên liệu chiết xuất phylamin trong ngành dược phẩm, và là loài cây hứa hẹn trong việc hấp thụ carbon. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng tăng trưởng sinh khối của Azolla thông qua mở rộng thời gian chiếu sáng bằng cách sử dụng ánh sáng đỏ và ánh sáng đỏ xa vào ban đêm, với các khoảng thời gian chiếu sáng khác nhau. Kết quả cho thấy, sinh khối đạt mức cao nhất khi tiếp xúc với chu kỳ chiếu sáng kéo dài 20 giờ/ngày, trong đó có 12 giờ ánh sáng mặt trời và 8 giờ ánh sáng đỏ vào ban đêm. Sinh khối tăng lên gấp 5,5 lần so với lượng ban đầu sau 6 ngày, và lượng sinh khối tươi tăng 303,4% so với khi chỉ sử dụng ánh sáng ban ngày. Nghiên cứu này mở ra các hướng đi mới cho các nghiên cứu tiếp theo về tác động của việc sử dụng xen kẽ ánh sáng đỏ và ánh sáng đỏ xa, hoặc kết hợp chúng, và tương tác với ánh sáng xanh để hiểu rõ hơn vai trò của chu kỳ ánh sáng đối với sản xuất sinh khối của bèo hoa dâu Azolla spp.