ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG CHỊU MẶN CỦA MỘT SỐ VẬT LIỆU BỐ MẸ SỬ DỤNG TRONG NGHIÊN CỨU DI TRUYỀN VÀ CHỌN TẠO GIỐNG LÚA CHỊU MẶN
Việc xâm nhập mặn đã và đang ảnh hưởng đến ngành sản xuất lúa, làm giảm năng suất và chất lượng. Trong nghiên cứu này, 20 dòng/giống lúa bao gồm 12 giống lúa mùa địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 03 giống lúa trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và 03 dòng lúa triển vọng được đánh giá khả năng chịu mặn nhằm xác định vật liệu bố mẹ sử dụng trong nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa chịu mặn. Đánh giá khả năng chịu mặn ở nồng độ 8‰ và 10‰ giai đoạn nảy mầm và giai đoạn mạ đã xác định được giống lúa Mùa Trắng Cụt và Đốc Trắng có khả năng chịu mặn cao. Ở thời điểm đánh giá 3 và 7 ngày thử mặn giai đoạn nảy mầm, cả 02 giống đều có hệ số suy giảm chiều dài chồi và rễ thấp nhất, lần lượt là 0,496 - 0,713 và 0,563 - 0,796. Ở giai đoạn mạ, điểm chống chịu SES của 02 giống ở nồng độ 8‰ và 10‰ dao động từ 3,1 đến 3,4. Kết quả đánh giá một số đặc điểm nông sinh học chính của 02 giống lúa Trắng Cụt và Đốc Trắng cho thấy, các yếu tố cấu thành năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại chính. Cả 02 giống được tiến hành lai tạo với các giống lúa trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc có khả năng chịu mặn kém (Bắc Thơm số 7, Khang Dân 18 và Hương Việt) tạo quần thể sử dụng trong nghiên cứu di truyền và chọn tạo giống lúa chịu mặn.