Các Tác giả
Đỗ Đức Hạnh, Dương Công Thống, Mai Văn Quân, Trịnh Xuân Hoạt, Nguyễn Văn Liêm, Đỗ Văn Tường, Nguyễn Thị Tân, Trần Văn Sơn
Tóm tắt
Nghiên cứu hiệu quả của bọ đuôi kìm (Euborellia annulipes Lucas) phòng chống sâu 4 vạch đầu nâu (Chilo tumidicostalis Hamsonp) tại Viện Nghiên cứu Mía đường và vùng mía nguyên liệu huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh từ tháng 1 đến tháng 12/2017. Kết quả cho thấy, trung bình mỗi ngày 1 bọ đuôi kìm trưởng thành có thể ăn 11,05 sâu non tuổi 1 của loài sâu đục thân 4 vạch đầu nâu. Mật độ bọ đuôi kìm trên ruộng mía tại Tây Ninh biến động từ 3,6 - 18,9 con/100 m2, đạt mức bình quân 10,6 con/100 m2. Mật độ bọ đuôi kìm tăng từ tháng 1 đến tháng 3, sau đó giảm dần và giảm mạnh ở tháng 7, 8, sau đó tăng ở tháng 11, 12. Lô ruộng mía gốc không đốt lá sau thu hoạch có mật độ đuôi kìm cao hơn hẳn so với ruộng mía tơ và mía gốc đốt lá sau thu hoạch (19,5 so với 5,3 và 6,9 con/100 m2 tương ứng). Công thức thả bọ đuôi kìm làm giảm từ 0,17 - 0,32% chỉ số hại do sâu đục thân 4 vạch đầu nâu gây ra và đồng thời làm tăng năng suất quy 10 CCS tương ứng 8,41% so với công thức đối chứng.