HIỆU QUẢ PHÒNG TRỊ CỦA CÁC DÒNG NẤM NỘI SINH ĐỐI VỚI BỆNH ĐẠO ÔN HẠI LÚA
Đánh giá hiệu quả phòng trị của các dòng nấm nội sinh đối với bệnh đạo ôn hại lúa nhằm hướng tới phòng trừ sinh học bệnh hại. Nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện nhà lưới và ngoài đồng. Thí nghiệm một gồm 10 dòng nấm nội sinh và đối chứng, với 3 lần lặp lại. Nấm nội sinh được chủng vào hạt khi hạt nẩy mầm và phun nấm bệnh lúc 14 ngày sau gieo (NSG). Thí nghiệm tiếp theo thực hiện ở Chợ Mới, An Giang, bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức: hai nghiệm thức nấm nội sinh, nghiệm thức phối trộn 2 nấm, đối chứng thuốc và đối chứng nước. Nấm nội sinh được xử lý khi ủ hạt giống, phun 25 và 45 ngày sau sạ (NSS). Kết quả thí nghiệm 1 cho thấy nấm nội sinh có khả năng kích thích sinh trưởng mầm và rễ, chiều cao cây và tỷ lệ giảm bệnh 40 - 88%, 7 ngày sau chủng bệnh (NSCB). Đến 14 NSCB, tỷ lệ giảm bệnh của R341 là 84% và 2T10.1 là 82%. Nấm R341 và 2T10.1 đã được xác định tương đồng với loài Purpureocillium lilacinum và Penicillium citrinum. Kết quả thí nghiệm ngoài đồng cho thấy, năng suất của nghiệm thức nấm nội sinh đơn hay kết hợp tương đương đối chứng thuốc và có khả năng kiểm soát bệnh thối cổ bông với hiệu quả giảm bệnh 63 - 68% tại thời điểm thu hoạch.