ẢNH HƯỞNG CỦA MẬT ĐỘ CẤY VÀ BIỆN PHÁP TRỪ CỎ ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ NĂNG SUẤT GIỐNG LÚA ĐÀI THƠM 8
Nghiên cứu nhằm xác định mật độ cấy và biện pháp làm cỏ thích hợp cho sự sinh trưởng và năng suất lúa Đài Thơm 8. Thí nghiệm hai nhân tố được thiết kế theo ô lớn-ô nhỏ (split-plot) với ba lần nhắc lại. Nhân tố ô lớn là mật độ cấy với 4 mức: 30 khóm/m2, 35 khóm/m2, 40 khóm/m2 và 45 khóm/m2. Nhân tố ô nhỏ là biện pháp trừ cỏ bao gồm: không trừ cỏ, làm cỏ bằng tay một lần ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm cỏ bằng tay hai lần ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và giai đoạn lúa bắt đầu trỗ, phun thuốc trừ cỏ Ankill A 40WP một lần ở giai đoạn đẻ nhánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi tăng mật độ cấy từ 30 khóm/m2 đến 40 khóm/m2 đã làm tăng các chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý và năng suất thực thu, nhưng khi tăng mật lên 45 khóm/m2 năng suất thực thu lại giảm. Biện pháp làm cỏ bằng tay hay phun thuốc đều cho các chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý và năng suất lúa cao hơn so với không làm cỏ. Năng suất thực thu cao nhất (56,85 tạ/ha) đạt được ở mật độ cấy 40 khóm/m2 kết hợp với làm cỏ bằng tay hai lần.