ĐIỀU TRA THỰC TRẠNG SẢN XUẤT VÀ TÌNH HÌNH SÂU HẠI TRÊN CÂY DÂU TẠI TỈNH YÊN BÁI VÀ THÁI BÌNH
Nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình sản xuất dâu tằm và điều tra các loài sâu hại trên cây dâu tại 02 vùng trồng dâu nuôi tằm Yên Bái và Thái Bình trong năm 2023. Kết quả điều tra cho thấy, diện tích của các hộ trồng dâu ở Thái Bình là 2.799 m2, chiếm 52,02% diện tích đất nông nghiệp, còn ở hai huyện Trấn Yên và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái tương ứng là 6.038 m2 chiếm 83,95% và 3.715 m2 (chiếm 43,55%). Độ tuổi bình quân của các hộ trồng dâu ở hai vùng điều tra tương đối cao, từ 51,3 đến 64,4 tuổi, trình độ văn hoá tập trung từ lớp 7 đến lớp 10. Tại Thái Bình, giống dâu Hà Bắc được sử dụng chủ yếu, có năng suất lá đạt 27,07 tấn/ha/năm, cho thu hoạch 10,99 lứa lá/năm, với chi phí 800 nghìn đồng/sào/hộ cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tỉnh Yên Bái trồng chủ yếu các giống dâu lai năng suất cao trên 36 tấn/ha/năm như GQ2, Sha nhị luân, đầu tư từ 900 nghìn đồng/sào/hộ đến 1 triệu đồng/sào/hộ. Trong năm 2023, điều tra ở Thái Bình xác định được 36 loài sâu hại trên cây dâu, 3 loài sâu hại chính gồm sâu róm (Euproctis similis), bọ gạo (Myllocerus viridanus) và sâu cuốn lá (Diaphania pyloalis Walker), trong khi ở Yên Bái chỉ duy nhất sâu cuốn lá gây hại nhiều.