KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG SẢN XUẤT VÀ THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ LÚA NẾP TAN PỎM CỦA NGƯỜI THÁI TẠI HUYỆN THAN UYÊN, TỈNH LAI CHÂU
Nghiên cứu thực trạng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nếp Tan Pỏm thực hiện trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho thấy: nếp Tan Pỏm (nếp Tròn) là giống lúa nếp bản địa của huyện Than Uyên, được người dân đưa từ trên nương xuống canh tác ruộng nước và được gieo trồng từ rất lâu đời, chỉ gieo cấy một vụ trong năm (từ 30/5 đến 15/11 hàng năm) và canh tác duy nhất tại xã Tà Hừa. Tổng diện tích gieo cấy trên địa bàn xã khoảng 60 ha, phân bố tại 3 bản Cáp Na 1, Cáp Na 2 và Cáp Na 3. Năng suất trung bình 50 - 55 tạ/ha, có giá bán 15.000 - 17.000 đồng/kg thóc, 30.000 - 35.000 đồng/kg gạo. Nếp Tan Pỏm có khả năng chống chịu với các loại sâu bệnh hại, chỉ nhiễm nhẹ đối với sâu bệnh hại chính như: sâu cuốn lá, sâu đục thân và đạo ôn cổ bông. Tuy nhiên, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu dẫn đến năng suất ngày một suy giảm, giá cả không ổn định, khả năng thương mại hóa hạn chế dẫn đến giá trị kinh tế của sản phẩm mang lại cho người dân chưa cao,… Sản phẩm được người dân tự sử dụng rất ít, chủ yếu vào một số dịp lễ tết, tiêu thụ trực tiếp đến tay người tiêu dùng 30%, còn lại 70% qua các kênh thu gom và chế biến tại chỗ đến tay người tiêu dùng.