NGHIÊN CỨU CHUYỂN CẤU TRÚC CRISPR/CAS9 VÀO GIỐNG NGÔ K7 NHẰM CHỈNH SỬA VÙNG PROMOTER CỦA GEN ZmCLE7
Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 là một bước đột phá quan trọng trong sinh học và nông nghiệp, cho phép thay đổi gen tại bất kỳ vị trí nào trong genome, mở ra tiềm năng cải thiện các đặc tính sinh học của cây trồng. Tuy nhiên, hiệu quả ứng dụng công nghệ này trong cây trồng, đặc biệt là ngô, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủng vi khuẩn, mật độ vi khuẩn và điều kiện nuôi cấy. Nghiên cứu này tập trung tối ưu hóa quy trình chuyển gen vào phôi non giống ngô K7 thông qua vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens mang cấu trúc PZY102:GUS làm nền tảng để chỉnh sửa vùng promoter của gen ZmCLE7 bằng CRISRP/Cas9. Quy trình bao gồm: lây nhiễm phôi 11 ngày sau thụ phấn với dung dịch vi khuẩn (OD600 = 0,5) trong 30 phút, nuôi trên môi trường CCM 3 ngày, sau đó chuyển qua môi trường tạo mô sẹo ECM1, bổ sung 2 mg/L 2,4-D và 3 mg/L chất chọn lọc glufosinate trong 14 ngày. Tiếp theo, phôi được nuôi trên môi trường ECM2 với 6 mg/L glufosinate trong 14 ngày, rồi chuyển qua SEM1, SEM2 và cuối cùng là môi trường RM để tạo cây hoàn chỉnh. Kết quả PCR từ 6 cây sống sót cho thấy 1 cây chứa gen Cas9 và 2 cây chứa gen Bar, minh chứng khả năng chuyển cấu trúc CRISPR/Cas9 vào giống ngô K7. Nghiên cứu này đặt nền tảng quan trọng cho việc áp dụng công nghệ CRISPR/Cas9 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi ở cây ngô.