THỰC TRẠNG CANH TÁC MÍT TẠI MỘT SỐ HUYỆN CỦA TỈNH ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG
Kết quả điều tra thực trạng canh tác mít tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk năm 2023 cho thấy, hiện nay có 07 giống mít, trong đó giống mít Thái siêu sớm được trồng phổ biến chiếm 58 - 70% số hộ, chủ yếu được trồng xen canh (vườn tạp) chiếm 69,2 - 76,7% và ít được đầu tư chăm sóc. Diện tích trồng chuyên canh chiếm 23,3 - 30,8% và được đầu tư chăm sóc như làm cỏ, bón phân, tưới nước, cắt tỉa, xử lý ra hoa đậu quả và trái vụ. Trên cây mít có các loài sâu bệnh hại chính như sâu đục quả (Glyphodes sp.), ruồi đục quả (B. dorsalis), rệp sáp (Pseudococcus sp.) bệnh thối đen quả (L. theobromae), bệnh xơ đen (Pantoea sp.), bệnh thối thân xì mủ (Phytophthora spp.), bệnh vàng lá thối rễ (Phytophthora sp., Fusarium sp. và Meloidogyne sp.),… Sử dụng thuốc hóa học chiếm 75 - 100% số hộ, biện pháp sinh học 4,2 - 16,7% và có 4,2 - 14,2% số hộ kết hợp cả hai biện pháp sinh học và hóa học để phòng chống sâu bệnh hại chính trên cây mít.