NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA MẬT ĐỘ, PHÂN BÓN ĐẾN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG DƯỢC LIỆU CỦA CÂY ĐỊA LIỀN (Kaempferia galanga L.) TẠI BẮC GIANG
Nhằm góp phần hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho cây địa liền trồng tại Bắc Giang, nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ và phân bón tới sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng dược liệu của cây địa liền được thực hiện. Thí nghiệm được bố trí với 3 mật độ: M1 (10 × 20 cm), M2 (20 × 20 cm) và M3 (30 × 20 cm); và 3 mức phân bón: P1 (đối chứng - 160 kg N + 140 kg P2O5 + 125 kg K2O)/ha, P2 (160 kg N + 140 kg P2O5 + 145 kg K2O)/ha, P3 (160 kg N + 140 kg P2O5 + 165 kg K2O)/ha; trên nền phân chuồng hoai mục 15 tấn/ ha và 1.385 kg/ha vôi bột. Kết quả cho thấy: mật độ và phân bón không ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy chồi; thời gian từ trồng đến nảy chồi, ra lá thật; số lá /nhánh; màu sắc lá và hàm lượng tinh dầu tổng số, nhưng ảnh hưởng rõ rệt đến kích thước lá, thời gian từ trồng đến ra hoa, các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất thực thu của cây địa liền. Mật độ thưa và bón phân nhiều thì cây sinh trưởng phát triển tốt hơn, bộ lá to hơn, cây ra hoa muộn và thời gian sinh trưởng dài hơn, củ to với khối lượng lớn, năng suất thực thu cao hơn. Năng suất thực thu cao nhất đạt 27,3 tấn/ha ở tổ hợp P3M2 (160 kg N + 140 kg P2O5 + 165 kg K2O; 20 × 20 cm), tổ hợp này tương tự với năng suất tổ hợp P3M3 (160 kg N + 140 kg P2O5 + 165 kg K2O; 20 × 30 cm), P2M2 (160 kg N + 140 kg P2O5 + 145 kg K2O; 20 × 20 cm) và P2M3 (160 kg N + 140 kg P2O5 + 145 kg K2O; 20 × 30 cm). Hàm lượng tinh dầu tổng số cao nhất đạt 3,38% (khối lượng khô) khi trồng ở mật độ trung bình M2 (20 × 20 cm).