KẾT QUẢ ĐIỀU TRA THÀNH PHẦN SINH VẬT HẠI VÀ THIÊN ĐỊCH CHÍNH TRÊN CÂY ĐƯƠNG QUY NHẬT (Angelica acutiloba) TẠI VIỆT NAM
Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu điều tra, giám định sâu bệnh và nhện hại trên cây đương quy Nhật và một số thiên địch của sâu hại tại các vùng trồng cây đương quy Nhật tập trung đại diện cho 2 vùng sinh thái Trung du miền núi phía Bắc (Lào Cai, Hà Giang) và Tây Nguyên (Gia Lai, Lâm Đồng) giai đoạn 2020 - 2022. Sáu loài sâu, nhện hại thuộc 6 họ, 5 bộ được điều tra, trong đó có 5 loài giám định được tên khoa học và 1 loài chưa được xác định. Bộ cánh vảy có số lượng nhiều nhất với 2 loài, chiếm 33,33%, các bộ còn lại gồm có bộ cánh đều, bộ cánh tơ, bộ cánh nửa và bộ nhện nhỏ có số lượng là 1 loài, chiếm 16,67%. Ba loài thiên địch thuộc 2 họ và 2 bộ được xác định. Trong đó, bộ cánh cứng có 2 loài chiếm 66,67%, bộ cánh tơ có 1 loài chiếm 33,33%. Trong số 6 loài sâu, nhện gây hại, loài rệp muội (Aphis gossypii) có mức độ phổ biến nhất. Thành phần bệnh hại trên cây đương quy Nhật có 6 loài vi sinh vật gây bệnh với mức độ hại từ thấp đến cao. Bệnh cháy lá bắt gặp nhiều và gây hại nguy hiểm hầu hết các điểm điều tra.