NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM CẮT TỈA THÍCH HỢP NHẰM RẢI VỤ THU HOẠCH CHO DÒNG NA Na16 TẠI HUYỆN MAI SƠN, TỈNH SƠN LA
Dòng na Na16 (A. squamosa) được Viện Nghiên cứu Rau quả tuyển chọn từ sản xuất có nhiều đặc điểm quý như: sinh trưởng khỏe, quả to (500 - 800 g/quả), ít hạt (< 30 hạt/quả), thịt dai và cũng chỉ có 1 đợt quả chính vụ vào tháng 8 - 9 trong điều kiện bình thường. Nhằm mục đích kéo dài thời gian thu hoạch thông qua kỹ thuật tạo quả trái vụ, trong 2 năm 2020 và 2021, chúng tôi tiến hành nghiên cứu xác định thời gian cắt tỉa phù hợp cho dòng na Na16 với 7 công thức là 7 thời vụ tác động khác nhau trong điều kiện sinh thái huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Cắt tỉa tạo quả trái vụ vừa có tác dụng kéo dài thời gian thu hoạch dòng na Na16 (dài nhất gần 4 tháng so với chính vụ) vừa tạo được sản phẩm liên tục trong một khoảng thời gian dài. Thời gian cắt tỉa có ảnh hưởng khá rõ đến tỷ lệ đậu quả, năng suất, thời điểm thu hoạch và chất lượng quả nhưng không làm thay đổi số hạt/quả. Cắt tỉa tạo quả trái vụ sớm (từ 01 - 05/5 đến 01 - 05/6) cho tỷ lệ đậu
quả, năng suất tương đương với chính vụ (26,3 đến 28,97 kg/cây), cao hơn rõ rệt (17,03 đến 24,01 kg/cây) so với cắt tỉa muộn (15 - 20/6 đến 15 - 20/7). Tuy nhiên, quả ở các công thức cắt tỉa muộn lại có độ Brix cao hơn rất đáng kể (24,37 - 25,83% so với 22,37 - 23,43%).