NGHIÊN CỨU PHỤC HỒI VƯỜN SẦU RIÊNG RI-6 SAU NHIỄM MẶN BẰNG BIỆN PHÁP RỬA MẶN VÀ PHÂN BÓN HỮU CƠ SINH HỌC
Nghiên cứu phục hồi vườn sầu riêng Ri-6 sau nhiễm mặn được thực hiện tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cây bị nhiễm mặn suy kiệt từ 30% đến 50% được rửa mặn bằng cách bón vôi (CaO, 1 kg/cây) và tưới nước ngọt liên tục 5 ngày (ngày tưới 3 lần, 30 phút/lần, tưới bằng béc phun, lượng nước khoảng 50 lít/cây/lần tưới). Sau đó tiếp tục thực hiện phục hồi theo quy trình 5 bước bằng phân bón hữu cơ sinh học với 4 nghiệm thức và 5 lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy hàm lượng Na+ trao đổi ở thời điểm trước khi thực hiện rửa mặn là 0,88‰, giảm xuống còn ở mức 0,28‰ sau khi thực hiện rửa mặn. Trong các nghiệm thức thí nghiệm, NT2 bón gốc cho 1 cây gồm: vôi CaO 1 kg + Bio 2 (1 lít/200 lít nước) + phân cá (1 lít/200 lít nước) + G2 (5 g) + Bior (5 kg) kết hợp với phun phân bón qua lá L1 (150 mL/20 lít nước) + L2 (10 g/20 lít nước) + L3 (50 mL/20 lít nước) + Bior (0,5 lít/5 lít nước) cho kết quả tốt nhất. Ở nghiệm thức NT2, số chồi mới hình thành từ 5,25 đến 9,25; chiều dài chồi từ 6,27 đến 7,80 cm; chỉ số diệp lục tố (SPAP) 55,51 - 57,57; số quả trên cây 33,40; khối lượng quả 2,56 kg/quả; năng suất 85,38 kg/cây; tỷ lệ thịt ăn được 37,57%; độ Brix 30,03%; chỉ số L* và b* 81,06 và 47,77.