KHẢ NĂNG CHỊU MẶN CỦA MỘT SỐ GIỐNG DIÊM MẠCH (Chenopodium quinoa Willd.) TRONG ĐIỀU KIỆN NHÀ LƯỚI
Nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng thích ứng của 5 giống diêm mạch gồm: 2-Want, Isluga, Titicaca, 42-Test và Atlas ở các nồng độ dung dịch NaCl khác nhau (0; 2; 4; 6 g/L). Thí nghiệm hai yếu tố được bố trí theo kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên (RCBD) với 4 lần lặp trong nhà lưới có mái che. Kết quả cho thấy, nồng độ muối 6 g/L làm giảm đáng kể đến số bông, trọng lượng nghìn hạt và năng suất hạt của phần lớn các giống diêm mạch được khảo sát. Trong 5 giống diêm mạch khảo sát, giống Titicaca luôn thể hiện sự vượt trội so với các giống khác cả về trọng lượng hạt và năng suất hạt. Trọng lượng nghìn hạt của giống Titicaca thay đổi từ 2,145 đến 1,878 g, trong khi các giống khác chỉ cho trọng lượng hạt từ 1,655 đến 1,160 g/1.000 hạt; năng suất hạt giống Titicaca đạt cao nhất, biến động 6,56 - 4,08 g/cây khi nồng độ muối NaCl tăng từ 0 g/L đến 6 g/L. Ở độ mặn 6 g/L làm suy giảm hàm lượng proline trong lá một cách có ý nghĩa ở phần lớn các giống diêm mạch. Nghiên cứu này chứng minh rằng nồng độ muối và giống là những yếu tố quan trọng quyết định khả năng chịu mặn của các giống diêm mạch.