NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT VÀ ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA LOÀI CỦ RỐI ĐEN (Leea indica) Ở ĐỒNG NAI
Củ rối đen (Leea indica (Burm.f.) Merr.) là loài cây thuốc có nhiều công dụng quý như trị phong thấp, long đờm, kiết lỵ, ỉa chảy, phụ nữ rong kinh. Tuy nhiên cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về loài này. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân tích đặc điểm hình thái, vi phẫu và thành phần hóa học có trong thân, lá của loài Củ rối đen. Một số đặc điểm hình thái và giải phẫu đặc trưng của loài như lá kép lông chim 5 - 7 lá, cụm hoa dạng tán mọc đối, với lá hay đầu cành có lông tơ; các tế bào cứng mang tinh thể calci oxalate. Thân và lá của Củ rối đen có chứa các nhóm chất chính như flavonoid, polyphenol, saponin, đường khử và axit amin. Hàm lượng polyphenol toàn phần của các mẫu Củ rối đen dao động từ 0,69% đến 0,95%, và hàm lượng flavonoid toàn phần ở khoảng từ 0,08% đến 0,10%.