Tóm tắt
Kết quả nghiên cứu đăng tải trong bài báo này cho thấy lượng phân chuồng và phân đạm sử dụng trong canh tác rau có tác động rõ rệt đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng và dư lượng Nitrat trong rau xà lách và dưa chuột. Khi tăng lượng phân chuồng và phân đạm, các yếu tố cấu thành năng suất xà lách và dưa chuột cũng tăng rõ rệt nhưng khi không bón phân chuồng hoặc bón lượng quá cao 15 tấn/ha đối với xà lách; 20 tấn/ha đối với dưa chuột cũng như khi không bón phân đạm hoặc bón ở lượng 120 kg/ha đối với xà lách; dưa chuột là 250 kg/ha, năng suất đều giảm. Năng suất lý thuyết và năng suất thực thu của rau xà lách đạt tối đa khi bón 10 tấn phân chuồng + 90 kgN hoặc 15 tấn phân chuồng + 90 kgN; đối với dưa chuột, năng suất đạt tối đa khi bón 20 tấn phân chuồng + 150 kgN hoặ bón 10 tấn phân chuồng + 150 kgN. Các chỉ tiêu chất lượng của rau xà lách như tỷ lệ phần ăn được đạt cao nhất khi không bón phân chuồng, khối lượng vật chất khô đạt cao nhất khi bón 120 kg N/ha trên nền 15 tấn phân chuồng. Với dưa chuột, hàm lượng chất khô và hàm lượng đường đều đạt cao nhất khi bón 150 kgN trên nền 20 tấn phân chuồng và 200 kgN trên nền 0 và 10 tấn phân chuồng; hàm lượng vitamin C đạt cao nhất khi bón bón 10 tấn phân chuồng và 200 kg N/ha. Ngoại trừ khi bón ở lượng 15 tấn phân chuồng + 120 kgN/ha đối với xà lách và 250 kg N/ha (với cả 3 mức bón phân chuồng) đối với dưa chuột, các mức bón kết hợp khác đều có mức dư lượng Nitrat trong nông sản thấp hơn mức cho phép. Việc sử dụng phân chuồng hoai mục dường như không để lại dư lượng trong nông sản.