Tóm tắt
Đánh giá một số tính chất hóa học của đất bazan trồng cà phê ở cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng để phục vụ cho việc quản lý và cải thiện chất lượng đất là cần thiết. Kết quả phân tích 33 mẫu đất trồng cà phê từ 15 – 20 năm cho thấy hàm lượng chất hữu cơ (%OM) đều thấp hơn so với các mẫu đất rừng chưa qua canh tác. Khả năng hấp thụ trao đổi cation (CEC) ở mức nghèo (6,2 - 12,9 meq/100 g đất) so với đất rừng. Hàm lượng các cation trao đổi (Ca2+, Mg2+) dao động từ nghèo đến rất nghèo (Ca2+:0,19 - 4,92 meq/100 g đất, Mg2+: 0,11 - 1,49 meq/100 g đất). Độ pHKCl dao động 3,53 - 4,67 cho thấy đất đang ngày càng chua hóa có lẽ do bón các loại phân chua sinh lý có hàm lượng lưu huỳnh cao (SA, NPK+13S). Hàm lương Al3+ (1,05 - 3,50 meq/100 g đất), SO4 2- (3,7 - 34,7 cmol/ kg đất) và sắt di động (60,2 - 159,5 ppm) dao động ở mức độ cao so với đất rừng, điều này sẽ tác động xấu cho môi trường đất. Mặc dù nồng độ kẽm tổng số cao (34 - 270 mg/kg đất) nhưng nồng độ kẽm dễ tiêu rất thấp (0,12 - 7,68 mg/kg đất) điều này có thể dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng kẽm đối với cây cà phê.