Tóm tắt
Kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi trồng cà phê thâm canh (25 năm) một số tính chất đất đỏ bazan được cải thiện đáng kể so với đất trồng cà phê 4 năm, đặc biệt là hàm lượng lân dễ tiêu tăng > 5 mg P2 O5 /100 gam đất (278%); kali dễ tiêu tăng > 4 mg K2 O/100 gam đất (68%); hữu cơ tăng > 1,1%. Tuy nhiên, một số tính chất đất khác lại có chiều hướng giảm không đảo ngược được như pHKCl của đất giảm 0,58 đơn vị; can xi trao đổi giảm 1,55 lđl/100 gam đất; tương đương 44,3%; magiê trao đổi giảm 1,60 lđl/100 gam đất; tương đương 59,3% so với đất rừng ban đầu. Các biện pháp bón phân cân đối không những góp phần làm tăng năng suất cà phê mà còn cải thiện được một số chỉ tiêu độ phì của đất như hữu cơ, đạm tổng số, kali và lân dễ tiêu trong đất. Trồng cà phê có cây che bóng vừa có tác dụng điều hòa năng suất cà phê, cải thiện tình trạng độ phì nhiêu của đất, góp phần nâng cao hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường trong sản xuất cà phê ở Tây Nguyên.