ISSN 1859-1558
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Journal of Vietnam Agricultural Science and Technology
VIỆN KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

NGHIÊN CỨU CHUYỂN GEN VÀO LAN Mokara QUA TRUNG GIAN VI KHUẨN Agrobacterium tumefaciens

Các Tác giả

Lý Nguyễn Phước Điềm, Nguyễn Xuân Dũng, Dương Hoa Xô

Từ khóa

chuyển gen, Agrobacterium tumefaciens, hoa lan, Mokara, PLBs

Tóm tắt

Tại Việt Nam, Mokara là một trong hai loài lan cắt cành đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Việc xây dựng thành công quy trình chuyển gen vào lan này có thể được ứng dụng để nâng cao chất lượng hoa lan. Trong nghiên cứu này, vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens chủng LBA4404 mang vector pCAMBIA1301 được sử dụng để chuyển gen mục tiêu vào PLBs của lan Mokara. Các yếu tố như môi trường kích thích sự tái sinh PLB từ mẫu lá, môi trường kích thích sự tăng sinh của PLBs, nồng độ chất cảm ứng acetosyringone, nồng độ kháng sinh khử khuẩn và nồng độ kháng sinh sàng lọc PLBs chuyển gen đã được khảo sát. Hiệu quả chuyển gen được xác định dựa trên tỷ lệ mẫu dương tính GUS trên tổng số mẫu được lây nhiễm. Kết quả cho thấy môi trường Murashige & Skoog (MS) bổ sung 0,5 mg/L BA kết hợp 2,0 mg/L NAA cho tỷ lệ tái sinh PLBs từ mẫu lá cao nhất (91,67%) sau 15 tuần nuôi cấy. Môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/L kết hợp 1,0 mg/L NAA thích hợp cho sự tăng sinh PLBs, trọng lượng PLBs đạt 25,70 g sau 8 tuần nuôi cấy. Hiệu quả chuyển gen cao nhất đạt được khi có sự hiện diện của 50 µM acetosyringone trong quá trình chuyển gen với thời gian đồng nuôi cấy là 2 ngày. Kháng sinh cefotaxime ở nồng độ từ 300 mg/L đến 500 mg/L có khả năng loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn sau thời gian đồng nuôi cấy. Kháng sinh hygromycin ở nồng độ 10 mg/L thích hợp cho giai đoạn sàng lọc PLBs chuyển gen.

Đã xuất bản

28/06/2017

Cách trích dẫn

Lĩnh vực

Số thường kỳ