Tóm tắt
Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, cơ cấu tiêu dùng đa dạng và gặp nhiều thách thức về an ninh lương thực. Nghiên cứu tập trung vào nguồn thực phẩm sẵn có và tính ổn định - là hai trong bốn thành tố chính của an ninh lương thực theo tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO). Nghiên cứu sử dụng chuỗi số liệu điều tra mức sống dân cư trong 12 năm (VHLSS - Vietnam Household Living Standard Survey) của Tổng cục Thống kê từ 2004 đến 2016 để xác định được xu hướng tiêu dùng tại hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực phẩm tiêu thụ tại hộ gia đình được tiếp cận theo nhiều thang đo khác nhau: (1) năng lượng; (2) cơ cấu các chất hữu cơ chính như tinh bột, chất đạm, chất béo; (3) các nhóm thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau, quả và (4) giá thực phẩm. Nghiên cứu cho thấy từ mức sống hộ gia đình tăng cao, chi tiêu cho thực phẩm tăng cao ở cả hai thành phố. Bình quân năng lượng đầu người tăng ở cả hai thành phố và cao hơn mức toàn quốc. Xu hướng tiêu dùng quả tăng mạnh, trong khi tiêu dùng rau tương đối ổn định theo thời gian. Thịt lợn là thực phẩm có nguồn gốc động vật phổ biến nhất trong bữa ăn người Việt Nam có xu hướng giảm về lượng và tỷ lệ đóng góp năng lượng. Trái lại, các thực phẩm giàu đạm khác như hải sản và thịt gà được gia tăng, tuy nhiên giá các sản phẩm này vẫn tương đối đắt và tăng rất cao sau các năm, nhất là thủy hải sản. Một số kiến nghị chính sách về dinh dưỡng và tiêu dùng thực phẩm được đề xuất đối với hai đô thị và cấp quốc gia.