Tóm tắt
Mức độ phú dưỡng của một hồ đô thị được đánh giá dựa trên thành phần dinh dưỡng, sự phát triển của thực vật nổi và tỷ lệ các ngành tảo trong quần xã thực vật nổi. Theo phương pháp tiếp cận đó, 15 hồ đã được lựa chọn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các hồ này chịu ảnh hưởng từ nước thải trực tiếp hoặc nước chảy tràn qua đô thị khiến chất lượng nước bị suy thoái với các biểu hiện như ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng N và P vượt quy chuẩn cho phép, độ đục nước hồ cao và suy giảm oxy hòa tan. Nghiên cứu trên đối tượng đã phát hiện 60 chi tảo thuộc 05 ngành trong đó tảo lam chiếm ưu thế về số lượng (trên 85%) trong khi tảo lục với 19 chi lại đa dạng nhất về thành phần. Căn cứ mức độ bùng nổ về mật độ theo thời gian, tháng sáu là thời điểm tảo phát triển mạnh nhất, khi đó, 06 hồ ở mức siêu phú dưỡng (Polytrophic), 04 hồ ở mức phú dưỡng (eutrophic) và 05 hồ ở mức trung dưỡng (Mesotrophic). Kết quả này tương đối phù hợp với kết quả phân loại theo cấu trúc tảo tính trên sự thay đổi về tỷ lệ các nhóm tảo trên tổng số tảo nổi và giữa các ngành với nhau, theo đó có 02 hồ thuộc nhóm Oligotrophic, 13 hồ còn lại nằm ở mức Eutrophic đến Polytrophic.