Tóm tắt
Bài viết này trình bày kết quả thử nghiệm hiệu quả và tác dụng của các vật liệu hữu cơ và phân đạm tan chậm trên đất phù sa nhiễm mặn đến năng suất lúa và khả năng giảm phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu được triển khai tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định trong vụ Mùa năm 2014 và vụ Xuân 2015, gồm hai thí nghiệm, một thí nghiệm về vật liệu hữu cơ trên nền phân khoáng NPK bao gồm 4 công thức và 3 lần nhắc lại và một thí nghiệm về phân đạm chậm tan với 3 công thức và 3 lần nhắc lại. Mẫu khí được lấy bằng phương pháp hộp kín từ 8 đến 11 h, mỗi hộp lấy 3 mẫu ở 3 thời điểm 0, 10 và 20 phút sau khi đóng hộp. Các mẫu khí được lấy tại 5 giai đoạn sinh trưởng và phát triển cây lúa trong vụ và được phân tích khí mê tan (CH4 ) và nitơ oxit (N2 O) bằng GCMS. Kết quả nghiên cứu cho thấy phát thải KNK ở các công thức bón phân hữu cơ trên đất phù sa nhiễm mặn theo thứ tự là NPK + COMP > NPK + COMP + Biochar > NPK + Biochar > NPK. Các loại phân đạm chậm tan đều có khả năng làm giảm phát thải KNK so với đạm urea, trong đó bón urea 46A+ (màu vàng) giảm phát thải nhiều hơn so với bón urea NEB26 (màu xanh).