Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là xác định được giải pháp canh tác tỏi Lý Sơn không cần bổ sung đất đỏ bazan và không thay cát san hô. Thí nghiệm được bố trí theo phương pháp khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCBD), 3 lần nhắc lại, diện tích ô cơ sở là 50 m2 trong 2 vụ Đông Xuân 2015 - 2016 và Đông Xuân 2016 - 2017. Thí nghiệm bố trí 3 giải pháp canh tác mới để so sánh, đánh giá với giải pháp canh tác truyền thống của người dân. Công thức 1 (CT1): Có bổ sung đất, có thay cát theo phương thức nông dân + phân hữu cơ và vô cơ. Công thức 2 (CT2): Không bổ sung đất, không thay cát, giữ lại lớp cát cũ, cày xới + Phân vô cơ + Phân hữu cơ vi sinh + Rong biển. CT3: Không bổ sung đất, không thay cát, loại bỏ lớp cát cũ, cày xới + Che phủ xác thực vật + Phân vô cơ + Phân hữu cơ vi sinh + Rong biển; và CT4: Không bổ sung đất, không thay cát, loại bỏ lớp cát cũ, cày xới + Vùi xác thực vật + Phân vô cơ + Phân hữu cơ vi sinh + Rong biển. Kết quả cho thấy, khi canh tác tỏi theo phương thức ở CT3 đã không làm sụt giảm năng suất và chất lượng so với phương thức truyền thống của người dân (Khối lượng củ từ 5,9 - 8,0 g/củ, năng suất đạt từ 4,86 - 6,03 tấn/ha; hàm lượng Iốt, protein, tinh dầu và alixin tương đương), nhưng hiệu quả kinh tế đã tăng thêm 22.800.000 đồng/ha.