Tóm tắt
Bài viết trình bày kết quả thực hiện mô hình “Áp dụng các kỹ thuật canh tác tổng hợp nhằm hạn chế và phục hồi đất lúa bị suy thoái do tác động của nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long” trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu diễn biến và giải pháp hạn chế, phục hồi môi trường đất trồng lúa bị suy thoái vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Kết quả của mô hình cho thấy việc áp dụng một số giải pháp tổng hợp đã cải thiện độ phì nhiêu của đất, hàm lượng OC trong đất tăng từ 5,4 - 13,1%, pH được duy trì ổn định, tính đệm của đất được cải thiện. Bên cạnh đó, một số yếu tố hạn chế trong đất mặn Na+, tổng số muối tan (TSMT) có dấu hiệu giảm trên mô hình diện rộng (Na+ giảm từ 5,4 - 8,1%, TSMT giảm từ 3,6 - 16,1% so với công thức đối chứng). Hiệu quả kinh tế mô hình tăng thêm 22,4% so với trồng lúa truyền thống. Mặt khác, việc ứng dụng các kỹ thuật canh tác tổng hợp (sử dụng phân bón chậm tan, chất cải tạo đất, phụ phẩm hữu cơ, …) đã giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, phục hồi các vùng đất mặn bị suy thoái góp phần sản xuất lúa bền vững trên đất mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.