Tóm tắt
Dựa trên các nghiên cứu trong và ngoài nước về tính đối kháng thực vật trên cây lúa, 8 giống lúa OM được trồng phổ biến (bao gồm OM5451, OM Nếp 406 (N406), OM7347, OM6976, OM4498, OM5930, OM3536 và OM2395) được tiến hành nghiên cứu về hoạt động cạnh tranh cỏ dại trên loài cỏ gây hại chính - cỏ lồng vực nước (E. crus-galli). Kết quả khảo sát ban đầu từ thí nghiệm đối kháng trực tiếp cho thấy giống lúa OM5930 có khả năng ức chế mạnh nhất đến sự phát triển cỏ lồng vực nước. Tuy nhiên, khi thử nghiệm hoạt tính sinh học của dịch trích các giống lúa bằng methanol (MeOH) lại cho thấy hiệu quả ức chế tốt và ổn định của giống OM4498. Do đó, dịch trích giống OM4498 đã được chọn sử dụng cho các bước tách chiết chất đối kháng (CĐK) tiếp theo. CĐK được tách chiết sử dụng phương pháp tách pha lỏng/lỏng, sau đó pha nước được dùng để tách các CĐK bằng kỹ thuật chiết pha rắn lần lượt sử dụng các cột Silicagel, Sephadex và C18 với các dãy nồng độ dung môi khác nhau. Hoạt chất ức chế cỏ dại được xác định trong phần chiết với 100% MeOH qua cột Silicagel, 40% MeOH qua cột Sephadex LH-20 và 20% MeOH qua cột C18 Sep-Pak với tỷ lệ ức chế từ 41,6 - 83,3% đối với thân và 90,6 - 95% đối với rễ. Kết quả này cho thấy giống lúa OM4498 có khả năng chứa CĐK triển vọng, cần được định danh và khai thác nhằm phục vụ cho công tác quản lý cỏ dại bằng biện pháp sinh học, tiến tới một nền nông nghiệp bền vững.