Tóm tắt
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các nghề khai thác thủy sản (KTTS) phổ biến ở vùng cửa sông Cửu Long để làm cơ sở cho cơ quan ban ngành xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định và lâu dài. Kết quả cho thấy các nghề KTTS phổ biến nhất là nghề lưới kéo (38,3%), lưới rê (19,9%), đáy biển (19,1%) và nghề te (16,4%). Tổng lợi nhuận trung bình của nghề đáy biển là cao nhất (9,3 triệu đồng/người/tháng) và thấp nhất là nghề lưới kéo (2,1 triệu đồng/người/tháng). Khía cạnh xã hội cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của lao động không tham gia KTTS của nghề te là cao nhất (19,7%) và thấp nhất là nghề đáy biển (14,1%). Trình độ học vấn của các nghề KTTS trong vùng là lớp 6/12 và tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường học rất cao 79,6 - 91,2%. Các chỉ tiêu phục vụ đời sống, giải trí, chăm sóc sức khỏe, giao thông và nước sạch sinh hoạt cũng như điện sinh hoạt được ngư dân các nghề KTTS trong vùng đánh giá khá tốt. Nhìn chung, khía cạnh kinh tế - xã hội của các nghề KTTS có sự chênh lệch nhiều tại vùng nghiên cứu.