Tóm tắt
Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá nguồn gen lúa có hàm lượng tinh bột khó tiêu cao trong nội nhũ phục vụ công tác lai tạo và phát triển giống lúa. 18 mẫu giống lúa khác nhau được sử dụng để xác định hàm lượng tinh bột khó tiêu và phát hiện 2 QTL quy định hàm lượng TBKT đã được công bố là qRSb7-1 và qRSb7-2 bằng chỉ thị ADN tương ứng RM7110 và RM3404. Xây dựng phổ hấp thụ Iốt của mẫu tinh bột để xác định độ hấp thụ cực đại ở bước sóng λ > 400 nm thu được mẫu có độ hấp thụ thấp nhất là B7K (541 nm) và cao nhất là Chiêm Tây (578,5 nm) tương ứng với hàm lượng TBKT của các mẫu dao động từ 0,58% đến 4,18%. Kết quả xác định kiểu gen phát hiện có 11 mẫu giống mang QTL qRSb7-1 và có 11 mẫu giống mang QTL qRSb7-2; trong đó 7 mẫu giống có cả 2 QTL là: L7, CP7, CP13, CP14, D72, S53B3 và EML2. Nguồn mẫu giống được xác định kiểu gen có hàm lượng TBKT cao là nguồn vật liệu có tiềm năng ứng dụng trong chọn tạo và phát triển giống lúa làm thực phẩm chức năng trong điều trị và chăm sóc sức khỏe