Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu xác định ảnh hưởng của nồng độ brassinolide tối ưu lên một số đặc tính sinh lý, sinh hóa của cây lúa ở giai đoạn mạ trong điều kiện lúa bị mặn 6‰. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên trong điều kiện nhà lưới, 1 nhân tố, với các nồng độ brassinolide: 0,00; 0,05; 0,10; 0,20; 0,40 mg/L và 3 lần lặp lại. Kết quả thí nghiệm cho thấy: Ở độ mặn 6‰, ủ giống với brassinolide 0,05 mg/L làm gia tăng trọng lượng tươi và khô của cây lúa và hoạt tính enzyme protease tăng 0,057 Tu/mgprotein so với đối chứng. Ủ giống với brassinolide ở 5 nồng độ nói trên cho hàm lượng proline tăng từ 17,36 - 36,61% so với đối chứng, trong đó nồng độ 0,20 mg/L cải thiện hàm lượng proline tốt nhất cũng như giúp cải thiện hàm lượng các sắc tố quang hợp (chlorophyll a và carotenoids). Các nồng độ 0,10; 0,20; 0,40 mg/L của brassinolide làm tăng hoạt tính catalase ở các mức khác nhau và nồng độ 0,10 mg/L cải thiện hoạt tính catalase cao nhất (tăng 81,33% so với đối chứng). Ủ giống với brassinolide làm tăng hàm lượng khoáng trong cây: 0,10 mg brassinolide /L làm tăng khoáng Nts lên 10,97% và 0,05mg brassinolide /L làm tăng khoáng Pts lên 39,19% so với đối chứng, trong khi khoáng Nats trong cây giảm từ 9,57 - 15,43% so với đối chứng khi hạt giống được ủ với brassinolide.