Tóm tắt
Măng tây (Asparagus officinalis L.) được trồng chủ yếu để lấy ngọn sử dụng như một loại rau giàu giá trị dinh dưỡng. Những bộ phận khác của cây măng tây như rễ, thân, cành lá và gốc măng thường bị loại bỏ. Trong nghiên cứu này, năm bộ phận khác nhau của cây măng tây gồm: ngọn, gốc, cành lá, thân già và rễ, được phân tích về mặt hoá học và cảm quan nhằm đánh giá khả năng tận dụng chúng trong việc chế biến trà túi lọc măng tây. Kết quả phân tích cho thấy ngọn và gốc của cây măng có thể sử dụng để chế biến trà vì chúng cho trà có hàm lượng chất hòa tan cao (ngọn: 32,19%; gốc: 27,13%), đồng thời chúng còn chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng khác như: polyphenol (ngọn: 0,9; gốc: 0,68 g/100g Dw), carbohydrate (ngọn: 11,67; gốc: 12,58 g/100g Dw). Đặc biệt, chất lượng cảm quan của trà được chế biến từ phần ngọn và gốc măng rất tốt với tổng số điểm trên 18. Tuy nhiên, rễ và thân già của cây măng tây không phù hợp cho sử dụng để chế biến trà vì chúng có giá trị dinh dưỡng thấp, hàm lượng chất xơ cao (lên đến 41,82% đối với thân già) và chất lượng cảm quan thấp với tổng số điểm chỉ ở 6 đối với rễ măng và 11 đối với phần thân già của cây măng tây.