Tóm tắt
Các thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm mục tiêu xác định nồng độ brassinolide để cải thiện năng suất lúa trong điều kiện bị mặn 6‰ ở các giai đoạn mạ, đẻ nhánh, tượng đòng và trổ (bốn thí nghiệm được thực hiện độc lập tương ứng với 4 giai đoạn sinh trưởng của lúa). Mỗi thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên, 1 nhân tố (nồng độ brassinolide: 0,00; 0,05; 0,10; 0,20; 0,40 mg/L) với 5 lần lặp lại. Kết quả các thí nghiệm cho thấy ủ giống với brassinolide trước xử lý mặn không làm ảnh hưởng đến khối lượng hạt/chậu; phun brassinolide cho lúa nhiễm mặn ở giai đoạn đẻ nhánh giúp gia tăng khối lượng hạt/chậu từ 9,62 - 32,77% so với đối chứng; nồng độ phun brassinolide 0,10 mg/L hoặc 0,20 mg/L cải thiện khối lượng hạt/chậu tốt nhất. Phun brassinolide ở giai đoạn tượng đòng giúp năng suất lúa tăng 27,97 - 58,98% so với đối chứng, nồng độ brassinolide 0,10 mg/L cải thiện khối lượng hạt/chậu cao nhất. Mặn ở giai đoạn lúa trổ, phun brassinolide cho khối lượng hạt/chậu tốt nhất.