Tóm tắt
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đây là Chương trình được xây dựng trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm từ phong trào OVOP của Nhật Bản, Chương trình OTOP của Thái Lan và Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Chủ thể tham gia thực hiện Chương trình gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Trong đó, hợp tác xã là chủ thể được ưu tiên, khuyến khích tham gia Chương trình. Tuy nhiên, đánh giá hiện trạng tham gia của các hợp tác xã tại Hà Nam, Nghệ An và Quảng Trị năm 2019 cho thấy, do gặp nhiều nhiều khó khăn nên các hợp tác xã và sản phẩm của hợp tác xã chưa đạt kết quả cao khi tham gia Chương trình này. Để tăng cường sự tham gia của hợp tác xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, hướng dẫn, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Các cơ quan cấp trung ương và các địa phương tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện những giải pháp nhằm tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, có chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bài viết này tổng hợp một số kết quả hiện trạng tham gia, khó khăn gặp phải và đề xuất giải pháp tăng cường sự tham gia của hợp tác xã vào Chương trình OCOP