Các Tác giả
Vũ Quỳnh, Nguyễn Thị Thanh Thùy, Đỗ Tấn Trung, Phạm Thị Kim Vàng, Trần Lộc Thụy, Trần Thị Mộng Quyên, Trần Thị Bé Hồng, Nguyễn Thị Vàng, Nguyễn Thị Thủy, Lê Quốc Cường, Nguyễn Thị Phong Lan, Phạm Hồng Hiển
Tóm tắt
Kết quả nghiên cứu nghiên cứu quy luật phát sinh, phát triển và biện pháp quản lý tổng hợp sâu năn hại lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian 2018 - 2020 cho thấy, sâu năn gây hại nặng trên vùng trồng lúa 3 vụ. Vòng đời của sâu năn từ 20 - 30 ngày, ký chủ phụ gồm lúa hoang, lúa cỏ, cỏ san nước, cỏ lồng vực. Sự xuất hiện của thành trùng sâu năn trên ruộng có thể được dự báo sớm bằng bẫy đèn và bẫy màu. Mật độ thành trùng sâu năn trên ruộng từ 10 - 20 con/m2 có thể gây hại từ 40% đến trên 80% . Các giống lúa đang trồng phổ biến ở ĐBSCL chưa có giống kháng với sâu năn, môt số giống có khả năng chống chịu như OM9582, OM3673, OM11735, và OM10424. Kết hợp mô hình sinh thái (ruộng lúa, bờ hoa) và sử dụng chế phẩm sinh học 3M chứa 3 chủng nấm xanh Metarhizium flavoviride, M. anisopliae và M. minus (1,1 x 109 bào tử/g) mang lại hiệu quả phòng trừ sâu năn cao và thân thiện môi trường. Mô hình quản lý tổng hợp sâu năn triển khai tại 3 tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và Kiên Giang trong 2 vụ Thu Đông 2019 và Đông Xuân 2019 - 2010 với tổng diện tích hơn 20 ha, đã giảm 85% tỷ lệ sâu năn gây hại so với đối chứng. Thay thế việc phun thuốc trừ sâu hóa học bằng chế phẩm sinh học 3M , giảm 1 - 3 đợt phun thuốc hóa học trên vụ, tỷ lệ sâu năn bị nấm ký sinh đạt từ 65 - 87%, lợi nhuận ghi nhận được 10 - 29 triệu đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế so với Đối chứng từ 18,02 - 29,41%, kết quả này cho thấy có thể nhân rộng mô hình quản lý sâu năn theo hướng an toàn sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long.