Tóm tắt
Nghiên cứu tiến hành đánh giá tốc độ phát thải khí nhà kính trên các mô hình áp dụng gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến ở các tiểu vùng sinh thái tại ĐBSCL từ năm 2017 - 2018. Nghiên cứu được thực hiện trên quy mô 15 ha/ mô hình, mẫu khí thải được thu 3 điểm/mô hình ở ruộng mô hình và ruộng đối chứng vào các thời điểm: sau mỗi lần bón phân một ngày; lúa 55 - 60 ngày sau sạ và sau khi thu hoạch lúa 1 tuần. Kết quả cho thấy: Phát thải khí nhà kính CH4 và N2O trên ruộng lúa trong vụ Đông Xuân 2017 - 2018, Hè Thu 2018 và Thu Đông 2018 tại 4 tiểu vùng sinh thái có sự biến động khác nhau giữa lượng khí CH4 và N2O. Tốc độ phát thải khí CH4 và N2O (mg/m2/ngày) khi không canh tác lúa tại 4 tiểu vùng sinh thái đều thấp hơn so với đang canh tác lúa. Sau khi thu hoạch trên ruộng không có lúa, ngưng cung cấp phân bón, đồng thời mực nước trên ruộng được rút khô trước đó để thu hoạch lúa điều này dẫn đến lượng khí CH4 và N2O tại thời điểm sau thu hoạch lúa 1 tuần giảm hơn so với thời điểm đang canh tác lúa. Tiềm năng làm ấm lên toàn cầu (tCO2e/ha) ở mô hình tiên tiến tại các tiểu vùng sinh thái đều giảm so với các mô hình canh tác theo nông dân địa phương. Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy biện pháp canh tác lúa tiên tiến góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp hiệu quả hơn biện pháp canh tác truyền thống.