Tóm tắt
Cơ giới hóa nông nghiệp phát triển tương đối nhanh trong thời gian qua, một số khâu trong sản xuất đã đạt mức độ cơ giới hóa cao như khâu làm đất nông nghiệp đạt tỷ lệ 94%; khâu chăm sóc đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 65%. Trong chăn nuôi, mức độ cơ giới hóa trong giai đoạn cung cấp thức ăn, nước uống đạt trên 90%; xử lý môi trường đạt 55%; số hộ nuôi bò dùng máy vắt sữa đạt 75%. Tuy nhiên, năng lực sản xuất, chế tạo của các cơ sở cơ khí chế tạo máy cũng như trình độ cơ giới hóa ở nước ta còn thấp. Trình độ cơ giới hóa chỉ đạt 2,4 HP/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo tổng hợp khảo sát cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng hạn chế, trên 52% các trang thiết bị đã cũ và lạc hậu, chỉ có khoảng 6,8% cơ sở có đầu tư phần mềm thiết kế chuyên dụng, 66,8% doanh nghiệp dừng lại ở sản xuất đơn chiếc và loạt nhỏ. Do đó, công suất chế tạo và chất lượng sản phẩm máy nông nghiệp của các cơ sở sản xuất trong nước nhìn chung còn hạn chế, thị trường máy nông nghiệp trong nước vẫn bị áp đảo bởi các thương hiệu được nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm gần 70%). Để phát triển ngành máy nông nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn tới cần có thêm nhiều cơ chế đặc thù, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và đầu tư vào sản xuất thiết bị nhằm góp phần vào mục tiêu đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới.