Tóm tắt
An Giang là tỉnh chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp lũ hằng năm, lũ gây ra các rủi ro như gây ngập úng, thiệt hại sản xuất, hạn chế giao thông, xói lở và ảnh hưởng đến sinh kế hộ dân. Nghiên cứu sử dụng khung sinh kế bền vững (DFID, 1999) nhằm khám phá các yếu tố thúc đẩy và cản trở sinh kế của nông hộ, đồng thời so sách các nguồn lực sinh kế hộ trong đê và ngoài đê nhằm đề xuất những giải pháp cho cải thiện sinh kế nông hộ. Kỹ thuật tham vấn người am hiểu (KIP), thảo luận nhóm (FGD) và phỏng vấn hộ được sử dụng. 182 hộ dân trong và ngoài đê ở 02 huyện An Phú, Phú Tân và thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang được phỏng vấn. Công cụ thống kê mô tả và phân tích Anova sử dụng để thể hiện các chiến lược sinh kế, nguồn vốn sinh kế và tính tổn thương của chiến lược sinh kế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trong điều kiện hiện tại nông hộ có nguồn lao động dồi dào nhưng số người phụ thuộc nhiều tạo khó khăn trong chi phí sinh hoạt, trình độ học vấn ở mức thấp. Tuy nhiên, về vốn nguồn lực tự nhiên, diện tích sỡ hữu của các mô hình thì khác nhau khá lớn. Về mặt kinh tế, mức độ đa dạng nguồn thu nhập hộ không cao. Về vốn xã hội, tỷ lệ tham gia hội đoàn ở mức thấp làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của hộ. Về vốn tài sản, nông hộ đa phần hài lòng về giao thông, thủy lợi, đê bao. Đối với 3 mô hình sinh kế chính thì có khác biệt ý nghĩa thống kê về hiệu quả kinh tế và mô hình nuôi trồng thủy sản là một mô hình triển vọng cho thu nhập hộ.