Tóm tắt
Chất lượng mạ khay đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của việc áp dụng cấy máy trong sản xuất lúa. Nghiên cứu này đánh giá 3 công thức giá thể mạ khay: CT1 là giá thể do địa phương tự sản xuất, CT2 là giá thể mạ do nhà sản xuất Kubota sản xuất, CT3 là giá thể thử nghiệm do nhóm tác giả đề xuất. Công thức giá thể mạ khay CT3 được làm từ trấu + phân gà + chế phẩm vi sinh Trichoderma ủ mục, sau đó phối trộn với phân NPK và đất bột. Giá thể CT3 có thể chủ động tại chỗ, công thức phối trộn dễ áp dụng, giá thành rẻ hơn CT2 từ 4.000 - 5.000 đồng/khay mạ. Công thức CT3 cho cây mạ sinh trưởng đều (17,9 cm ± 0,57 ở vụ Xuân, 18,8 cm ± 0,59 ở vụ Mùa), thời gian lưu mạ trên khay dài hơn từ 15 - 17 ngày mà không cần bổ sung dinh dưỡng. Giá thể CT3 có độ dẻo, thích hợp cho cấy máy, tỷ lệ mất khoảng thấp (5,6% trong vụ Xuân, 5,3% trong vụ mùa). Áp dụng phương pháp mạ khay CT3 vào canh tác giống lúa LTh31 cho năng suất cao hơn so với công thức CT1 từ 5,3 tạ/ha (vụ Xuân) đến 4,8 tạ/ha (vụ Mùa), hiệu quả kinh tế cao hơn CT1 và CT2 từ 1.472.900 - 4.931.000 đồng/ha trong vụ Xuân và 1.311.900 - 5.121.000 đồng/ha trong vụ Mùa. Kết quả của nghiên cứu này góp phần hoàn thiện quy trình sản xuất mạ khay, thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng.