Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ và độ mặn lên hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii). Thí nghiệm được bố trí gồm 9 nghiệm thức với 3 mức độ mặn là 0; 5; 10‰ kết hợp với 3 mức nhiệt độ nước 27 - 28°C (nhiệt độ môi trường - NĐMT), 31°C và 34°C; mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần; thời gian thí nghiệm là 8 tuần. Kết quả thí nghiệm cho thấy nhiệt độ đã ảnh hưởng đến tăng trưởng có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Tôm tăng trưởng cao nhất ở NĐMT với các độ mặn 0; 5 và 10‰ và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức còn lại (p < 0,05). Tôm nuôi ở các nghiệm thức 34°C ở 0; 5 và 10‰ có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với tôm nuôi ở các nghiệm thức 31°C (p < 0,05). Hệ số thức ăn (FCR) và hiệu quả sử dụng protein (PER) cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Tôm nuôi ở nghiệm thức NĐMT và độ mặn 0; 5; 10‰ có hệ số chuyển hóa thức ăn FCR thấp nhất, tỷ lệ chuyển hóa protein PER cao nhất và khác biệt so với các nghiệm thức còn lại (p < 0,05). Dựa vào kết quả tăng trưởng, FCR và PER, cho thấy tôm càng xanh có thể phát triển tốt ở độ mặn không quá 5‰ và nhiệt độ dưới 31°C.