Tóm tắt
Ở Việt Nam dưa chuột có lịch sử trồng trọt từ lâu đời. Nhiều giống dưa chuột địa phương được gieo trồng và giữ giống từ bao đời nay mang nhiều đặc điểm quý. Tại Bình Định hiện còn gieo trồng giống dưa chuột thơm. Để sử dụng nguồn gen thơm phục vụ nghiên cứu chọn tạo giống dưa chuột có hương vị của các giống địa phương, khắc phục nhược điểm vị đắng ở quả thì cần phải hiểu rõ bản chất di truyền của các tính trạng trên. Hai dòng bố mẹ mang cặp tính trạng tương phản nhau: Dòng thơm có lá mầm đắng (Dương Thành) và dòng không thơm với lá mầm không đắng (S20), được sử dụng làm vật liệu tạo ra các thế hệ F1, F2, BC1 . Kết quả phân tích di truyền dựa trên kiểm định Chi-bình phương (χ2 ) cho thấy, mùi thơm ở cả lá và quả của giống dưa chuột địa phương Dương Thành do một gen lặn quy định. Vị đắng lá mầm phân ly theo quy luật trội hoàn toàn do 1 gen quy định. Tính trạng vị đắng lá mầm và mùi thơm ở quả của giống dưa chuột địa phương Dương Thành di truyền độc lập với nhau.