Tóm tắt
Đất giồng cát là loại đất có thành phần cơ giới nhẹ thích hợp để canh tác đậu phộng, tuy nhiên đất có độ phì tự nhiên thấp. Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá đặc tính lý, hóa học đất giồng cát thâm canh đậu phộng với hai phương pháp tưới khác nhau là tưới vòi truyền thống và tưới phun mưa. Đề tài tiến hành thu mẫu đất nguyên thủy và xáo trộn đang canh tác đậu phộng 3 vụ/năm tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Mẫu đất được lấy ở tầng Ap (0 - 20 cm) và Bt (20 - 40 cm). Kết quả phân tích cho thấy thành phần cơ giới đất tầng Ap là cát và tầng Bt là cát pha thịt. Trong cùng tầng đất Ap và Bt khi so sánh giữa hai phương pháp tưới khác nhau thì độ nén dẽ khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên trong cùng phương pháp tưới, tầng Bt có độ nén dẽ cao hơn đất ở tầng Ap với dung trọng khá cao (> 1,40 g/cm3 ); do đó độ xốp tầng Bt kém hơn so với tầng Ap có ý nghĩa. pH, EC và hàm lượng lân của đất phù hợp cho canh tác đậu phộng; trong khi đó CEC thấp, hàm lượng chất hữu cơ, đạm hữu dụng và kali trao đổi rất nghèo và khác biệt không có ý nghĩa giữa hai phương pháp tưới.