Tóm tắt
Thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm tuyển chọn chất kích kháng có khả năng kích thích tính kháng chống lại bệnh vàng lùn trên cây lúa. Chất kích kháng được xử lý bằng biện pháp ngâm hạt và kết hợp phun qua lá. Nồng độ Rice grassy stunt virus (RGSV) trong cây lúa được xác định bằng phân tích ELISA gián tiếp. Kết quả cho thấy trong số chất kích kháng thử nghiệm để tạo nên kích kháng chống lại bệnh vàng lùn, clorua đồng (0,05 mM) và axít oxalic (0,5 mM) được xác định là hiệu quả nhất trong việc làm giảm bệnh vàng lùn trên cây lúa. Kết quả ELISA cho thấy nồng độ RGSV trong cây lúa xử lý với clorua đồng (0,05 mM) hoặc axít oxalic (0,5 mM) giảm có ý nghĩa so với đối chứng (đối chứng nhiễm bệnh). Ngoài ra, xử lý clorua đồng (0,05 mM) và axít oxalic (0,5 mM) cho thấy gia tăng có ý nghĩa về tỉ lệ chồi hữu hiệu, tỉ lệ bông trỗ thoát, chiều dài bông lúa, tỉ lệ hạt chắc và trọng lượng hạt chắc so với đối chứng nhiễm bệnh, đồng thời tương đương so với đối chứng khỏe. Ảnh hưởng nồng độ khác nhau của clorua đồng (0,025; 0,05 và 0,1 mM) và axít oxalic (0,25; 0,5 và 1 mM) cho thấy clorua đồng (0,05; 0,1 mM) và axít oxalic (0,5; 1 mM) đều tạo nên kích kháng chống lại bệnh vàng lùn tương đương nhau. Do đó, clorua đồng (0,05 mM) và axít oxalic (0,5 mM) cần được chọn để cung cấp nguồn chất kích kháng tốt cho việc quản lý bệnh vàng lùn bằng biện pháp kích kháng trên cây lúa.