Tóm tắt
Cho đến nay các nghiên cứu chế tạo dung dịch hữu cơ cho trồng rau trên hệ thống thủy canh còn nhiều hạn chế. Trong nghiên cứu này sử dụng các nguồn phế phẩm nông nghiệp như: phân bò hoai, bèo hoa dâu và phụ phẩm cá để chế tạo dung dịch hữu cơ thủy canh. Kết quả cho thấy, dưới tác động của chế phẩm KMINA-1 thủy phân và tạo thành các dung dịch phân bón hữu cơ có EC (2.922 - 4.525 µS/cm) và pH (6,3 - 6,4) phù hợp trồng rau thủy canh. Kết quả phân tích cho thấy, sản phẩm rau cải xanh khi trồng trên hệ thống thủy canh bằng các dung dịch hữu cơ nêu trên đều đạt chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Rau cải xanh trồng bằng dung dịch hữu cơ chế tạo được từ phụ phẩm cá (dung dịch đạm cá) có các chỉ tiêu chất lượng: chất khô, đường tổng số, vitamin C tương đương với rau trồng bằng dung dịch thủy canh vô cơ, đồng thời cho năng suất cải xanh cao hơn khi trồng bằng các dung dịch hữu cơ khác. Ở nồng độ dung dịch đạm cá 2%, năng suất cải xanh đạt 3,29 kg/m2 (đạt 77,23% so với khi trồng bằng dung dịch vô cơ). Dung dịch đạm cá có EC = 4.525 µS/cm, pH = 6,3; hàm lượng các chất: N ts đạt 2,64 g/L; P2O5 ts đạt 4,34 g/L; K2 O ts đạt 0,265 g/L; Cu đạt 0,32 mg/L; Mn đạt 6,25 mg/L; Zn đạt 0,48 mg/L; Fe đạt 50,92 mg/L, hàm lượng các kim loại nặng ở dưới mức cho phép (theo QCVN 03:2008/BTNMT về giới hạn hàm lượng tổng số của một số kim loại nặng trong đất nông nghiệp).